Chứng chỉ kế toán trưởng: Học ở đâu và thời hạn bao lâu?

Kế toán là một vị trí công việc vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong mọi doanh nghiệp. Vì vậy, vị trí kế toán trưởng lại đóng một vai trò quan trọng hơn, đòi hỏi những yêu cầu và chứng chỉ rất khắt khe. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn những nội dung và điều kiện cụ thể xoay quanh chứng chỉ kế toán trưởng, hãy cùng tôi theo dõi ngay nhé!

I. Chứng chỉ kế toán trưởng là gì?

Chứng chỉ kế toán trưởng là một loại chứng chỉ công nhận học viên đã hoàn thành khóa đào tạo kế toán trưởng. Chứng chỉ này có thời hạn sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp. Trong trường hợp bạn muốn cấp lại chứng chỉ sau khi đã hết hạn, bạn cần phải học lại khóa bồi dưỡng kế toán trưởng.

Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp đứng ra cấp chứng chỉ kế toán trưởng và đây cũng là cơ quan sẽ quản lý chứng chỉ này trên phạm vi cả nước.

II. Điều kiện để có được chứng chỉ kế toán trưởng

Theo Khoản 1 Điều 54 của Luật Kế Toán số 88/2015/2015/QH13 được ban hành ngày 20/11/2015, quy định rõ về các tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành kế toán trưởng bao gồm:

  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
  • Có trình độ chuyên môn, có nghiệp vụ kế toán;
  • Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
  • Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
  • Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

III. Tại sao lại cần chứng chỉ kế toán trưởng?

Đóng vai trò là người đứng đầu trong bộ máy kế toán của doanh nghiệp, kế toán trưởng có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì vậy, người làm kế toán trưởng cần phải có những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, cũng như kinh nghiệm làm việc thật vững vàng để có thể đảm nhận vị trí này.

Theo Khoản 1 Điều 54 của Luật Kế toán số 88/2015/2015/QH13 có đề cập đến tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng, nếu bạn muốn trở thành một kế toán trưởng, bạn bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.

Để đủ điều kiện cấp chứng chỉ kế toán trưởng, bạn cần vượt qua được bài thi cấp chứng chỉ của lớp học bồi dưỡng. Với khoá học này, bạn sẽ được cung cấp những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, tài chính. Điều này giúp bạn đảm bảo có đủ kiến thức và luôn cập nhật những thông tin mới nhất, từ đó có thể hoàn thành tốt công việc được giao và tránh xảy ra sai sót gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

IV. Phân loại chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng

Tại Điều 10 Thông tư số 199/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định chi tiết về nội dung, chương trình bồi dưỡng kế toán trưởng. Theo đó, chương trình bồi dưỡng được chia thành 2 hình thức như sau:

1. Kế toán nhà nước

Là chương trình bồi dưỡng kế toán trưởng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, kể cả đơn vị thu, chi ngân sách và đơn vị lực lượng vũ trang (gọi chung là đơn vị kế toán nhà nước).

2. Kế toán doanh nghiệp

Là chương trình bồi dưỡng cho kế toán trưởng các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, kể cả hợp tác xã (gọi chung là kế toán doanh nghiệp).

V. Chứng chỉ kế toán trưởng có thời hạn bao lâu?

Theo Khoản 4 và Khoản 5 Điều 9 Thông tư số 199/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có đề cập đến thời hạn sử dụng của chứng chỉ kế toán trưởng như sau:

“Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng có giá trị sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp để bổ nhiệm kế toán trưởng lần đầu theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Kế toán. Quá thời hạn 5 năm, học viên có yêu cầu cấp lại chứng chỉ phải học lại khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng.

Những người có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng đã đủ điều kiện và được bổ nhiệm làm kế toán trưởng 1 lần thì Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng đó vẫn có giá trị để bổ nhiệm kế toán trưởng từ lần thứ hai trở đi, trừ khi khoảng thời gian không làm kế toán trưởng giữa 2 lần bổ nhiệm đã quá 5 năm.”

VI. Một số chứng chỉ kế toán khác thường được yêu cầu tại Việt Nam

Ngoài những chứng chỉ kế toán trưởng thường gặp, hiện nay còn có một số loại chứng chỉ khác mà bạn nên có. Tuy các chứng chỉ này không thuộc dạng bắt buộc, nhưng chúng cũng sẽ phần nào giúp bạn có thêm nhiều lợi thế để ứng tuyển vào vị trí kế toán trưởng. Bạn có thể tham khảo một số chứng chỉ dưới đây:

1. Chứng chỉ CPA (Certified Public Accountants)

Đây là chứng chỉ kế toán viên công chứng được cấp phép, là giấy chứng nhận hành nghề kế toán được cấp bởi Bộ Tài chính cho các kế toán đã vượt qua kỳ thi kiểm tra năng lực. Chương trình thi chứng chỉ CPA gồm 7 môn, trong đó có 6 môn thi viết trong thời gian là 180 phút/bài thi và một môn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc).

Điều kiện để được tham gia thi CPA như sau:

  • Bằng cấp: Cần có một trong các bằng cấp sau:
    • Có bằng Đại học trở lên các chuyên ngành Tài chính, Kế toán – kiểm toán, Ngân hàng.
    • Tốt nghiệp chuyên ngành khác có tổng số đơn vị học trình (số tiết học) các môn: tài chính, kế toán kiểm toán, phân tích hoạt động tài chính, thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình toàn khóa.
    • Có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khóa học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp theo quy định của pháp luật.
  • Kinh nghiệm thực tế: Phải có trên 5 năm làm kế toán tính từ thời điểm ghi trên bằng tốt nghiệp, hoặc từ 2 năm trở lên làm trợ lý kiểm toán.

2. Chứng chỉ ACCA (Association of Chartered Certified Accountants)

Đây là chứng chỉ được cấp trực tiếp bởi Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (the Association of Chartered Certified Accountants). Được thành lập năm 1904, Hiệp hội là một tổ chức uy tín trên toàn thế giới, giá trị của chứng chỉ ACCA được công nhận trên toàn cầu và là một lợi thế cho các ứng viên trong ngành tài chính, kế toán và kiểm toán.

Để tham gia chương trình bồi dưỡng ACCA, bạn không cần phải thi đầu vào mà chỉ cần đáp ứng một trong những điều kiện sau:

  • Có bằng đại học hoặc cao đẳng.
  • Sinh viên năm 2,3,4 đã hoàn thành các môn chuyên ngành.
  • Có chứng chỉ kế toán và kinh doanh của ACCA (thuộc chương trình FIA).
  • Có chứng chỉ CAT.

Điều kiện để học viên được nhận chứng chỉ ACCA:

  • Thi đậu hết 14 môn trong chương trình ACCA.
  • Hoàn thành môn đạo đức nghề nghiệp.
  • Có 3 năm kinh nghiệm làm những công việc chuyên ngành.

3. Chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst)

Chứng chỉ CFA do Viện CFA Hoa Kỳ (CFA Institute) cấp và được xem như thước đo tiêu chuẩn đối với năng lực, sự chuyên nghiệp và đạo đức của những người đang công tác trong lĩnh vực đầu tư. Hiện nay trên thế giới, Viện CFA có khoảng 150.000 thành viên với 165 quốc gia khác nhau, cho thấy mức độ uy tín của chứng chỉ CFA trên toàn cầu.

Tương tự ACCA, CFA không yêu cầu bạn phải thi đầu vào. Tuy nhiên, để được thi CFA bạn cần phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

  • Sinh viên năm cuối đại học.
  • Có bằng cử nhân ở bất cứ chuyên ngành nào.
  • Có một trong các chứng chỉ như ACCA, CPA, CIMA, AIA, ICSA hoặc tương đương.
  • Có ít nhất 4 năm kinh nghiệm học và làm việc, không nhất thiết phải làm việc trong lĩnh vực đầu tư.

Ngoài những điều kiện cần đã đề cập, để đảm bảo việc học chương trình CFA hiệu quả, bạn cần có trình độ tiếng Anh bằng C, hoặc IELTS 5.5, hoặc TOEFL 500. Bên cạnh đó, bạn cần có kiến thức cơ bản về tài chính hoặc hoàn tất khóa dự bị CFA (CFA Foundation).

4. Chứng chỉ CIMA (Chartered Institute of Management Accountants)

Chứng chỉ CIMA được cấp trực tiếp bởi Hiệp hội kế toán quản trị công chứng Anh Quốc. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hiệp hội đã có 227.000 thành viên trên 179 quốc gia, cho thấy CIMA là một chứng chỉ rất uy tín và được công nhận trên toàn cầu về mặt quản trị tài chính và quản trị chiến lược.

Chương trình bồi dưỡng CIMA bao gồm 17 môn, tuy không yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh nhưng để đảm bảo cho việc học tập hiệu quả, bạn cần có bằng C hoặc IELTS 5.0.

Đối với chương trình này, không yêu cầu bạn phải thi đầu vào, chỉ cần bạn trên 16 tuổi là đã đạt yêu cầu và có thể theo học chương trình CIMA. Nếu bạn đã có bằng tốt nghiệp ở các chuyên ngành kế toán hay quản trị, hoặc đã hoàn tất một số môn trong chương trình ACCA thì sẽ càng có lợi thế vì bạn sẽ có khả năng được miễn học một số môn.

Xem thêm:

  • 7 nguyên tắc kế toán cơ bản và quan trọng cần nắm vững
  • Tổng hợp công việc của kế toán cần phải làm tại doanh nghiệp chi tiết
  • Cách viết CV kế toán, kiểm toán hay và thu hút nhà tuyển dụng

Bài viết đã giới thiệu về chứng chỉ kế toán trưởng, rất mong có thể gửi đến bạn những thông tin hữu ích. Rất cảm ơn bạn đã theo dõi và đừng quên chia sẻ bài viết nhé!

FEATURED TOPIC

hihi