Cách nhận xét bài thuyết trình khéo léo cho người khác, nhóm khác

Cách nhận xét bài thuyết trình là một thách thức lớn đối với nhiều người. Chúng ta luôn băn khoăn về cách nói những điểm chưa tốt mà không làm mất lòng người khác, cũng như cách khen ngợi một cách phù hợp. Đây thực sự là một trong những kỹ năng mà ai cũng nên học để trở thành người ăn nói khéo léo, tinh tế và thông minh. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách nhận xét bài thuyết trình một cách khéo léo và tinh tế.

Nghệ thuật nhận xét bài thuyết trình ai cũng “tâm phục, khẩu phục”

Từ xa xưa, cổ nhân đã có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời khuyên này thực sự rất có ý nghĩa trong giao tiếp và trong cuộc sống hàng ngày. Đánh giá bài thuyết trình cũng vậy, đây là một phần bắt buộc khi kết thúc một bài trình bày. Chúng ta sẽ phải đưa ra những lời nhận xét, dẫn chứng để nhận xét kết quả tốt hay không tốt. Tuy nhiên, chúng ta đã bao giờ thử nghĩ rằng nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc soi xét những lỗi sai của người khác thì sẽ như thế nào không? Hoặc nếu chỉ vì tình cảm mà chúng ta dành cho họ những lời khen “có cánh” thì có thể họ sẽ không nhận ra được điểm yếu của bản thân mà không thể sửa đổi.

Rất nhiều người có thể sẽ tức giận, thất vọng khi nhận lời phê bình từ người khác, họ cảm thấy bị tổn thương và nghĩ rằng mình thật sự kém. Cũng có nhiều người khi được khen ngợi lại cảm thấy bản thân giỏi hơn người khác và không cần phải lắng nghe ý kiến từ bất kỳ ai. Nhưng thực tế, chúng ta không thể tránh khỏi việc phải nhận xét, đánh giá một ai đó, ví dụ như bạn học, các thí sinh trong cuộc thi, đồng nghiệp, nhân viên…

Cách nhận xét bài thuyết trình khéo léo cho người khác, nhóm khác
Thông qua nhận xét khéo léo, bạn có thể tạo ra sự cảm thông và sẵn lòng tiếp thu ý kiến của người khác.

Điều quan trọng nhất ở đây chính là bạn biết cách nhìn nhận và nhận xét để người nghe cảm thấy dễ chịu, thoải mái và thực sự nhận ra lỗi sai của bản thân để sửa đổi. Dưới đây là 4 nghệ thuật đưa ra lời nhận xét khéo léo mà bạn có thể áp dụng:

Nghệ thuật nhận xét bài thuyết trình hiệu quả

Khi nhận xét bài thuyết trình của người khác, hãy đặc biệt chú ý đánh giá vấn đề của họ mà không công kích chính người thuyết trình. Thay vào đó, hãy đưa ra những lời gợi ý, tham khảo để tăng tính tương tác và thuyết phục. Hãy lựa chọn những từ ngữ như “Bạn có thể tham khảo cách này hay mình nghĩ nếu bạn thử làm theo cách này cũng rất hay” thay vì “Bạn phải nói thế này hay Cách này của mình hay hơn cách bạn đang làm”.

Hãy nhớ rằng không nên chỉ tập trung vào những lời chê mà cần đưa ra những lời khen. Nhận xét phải dựa trên những dẫn chứng, số liệu và lý do để thuyết phục người khác, không nhận xét chỉ dựa trên cảm quan cá nhân. Khi khen ngợi, hãy có thái độ chân thành, thực tế, không vì lấy lòng mà đưa ra những lời khen quá mức.

Tiêu chí đánh giá bài thuyết trình

“Bài trình bày của nhóm mình đã kết thúc, rất mong nhận được lời nhận xét từ các bạn” hay “Có ai có nhận xét hay đánh giá gì về bài của nhóm bạn không?” là câu nói quen thuộc mỗi khi bài thuyết trình kết thúc. Vậy trong trường hợp này, cách nhận xét bài thuyết trình theo các tiêu chí dưới đây sẽ khiến ai cũng “tâm phục, khẩu phục”.

  1. Tiêu chí: chuẩn bị
  • Có mặt trước bao nhiêu phút để chuẩn bị bài thuyết trình.
  • Đồng phục gọn gàng, chỉnh tề.
  • Chuẩn bị dụng cụ.
  1. Tiêu chí: powerpoint
  • Powerpoint được sắp xếp logic, rõ ràng, dễ theo dõi.
  • Thiết kế Powerpoint sinh động, ấn tượng, thu hút người nghe.
  • Không mắc phải lỗi sai chính tả, sai font chữ hay quá nhiều chữ trong các slide.
  1. Tiêu chí: nội dung bài thuyết trình
  • Nội dung có dễ hiểu, làm rõ được vấn đề không.
  • Nội dung có đáp ứng được những thắc mắc của người nghe không.
  • Nội dung có gì đột phá không: tiếp cận theo cách mới thay vì tiếp cận theo như cách thông thường, sự mở rộng vấn đề…
  1. Tiêu chí: cách trả lời câu hỏi và kỹ năng trình bày

Kỹ năng thuyết trình

  • Phong thái tự tin, làm chủ được nội dung, say mê khi nói.
  • Cách giải thích, diễn giải dễ hiểu, không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề và có tính tương tác giữa người nghe.
  • Trình bày theo đúng thời gian quy định.
  • Lối thuyết trình có gì đặc biệt, ấn tượng không: cách mở bài, cách kết bài hay có sử dụng câu hỏi khi thuyết trình, chơi trò chơi, kể chuyện, trích dẫn câu nói người nổi tiếng, lấy ví dụ minh họa.

Cách trả lời câu hỏi

  • Câu trả lời có đúng theo như kỳ vọng của mọi người không.
  • Câu trả lời có thể hiện được sự hiểu biết một cách chuyên sâu về đề tài không.

Cách nhận xét bài thuyết trình khéo léo cho người khác, nhóm khác

Cách nhận xét bài thuyết trình tốt

Bài thuyết trình tốt luôn nhận được những lời khen ngợi từ nhiều người, đây cũng chính là nguồn động viên để giúp họ phấn đấu trong tương lai. Tuy nhiên, việc khen ngợi cũng cần được thực hiện một cách cân nhắc và không quá đà. Dưới đây là những kỹ năng khen ngợi mà bạn có thể áp dụng:

  • Khi đưa ra lời khen, hãy đưa ra đánh giá về kết quả bài thuyết trình, ví dụ như “Sau khi lắng nghe thì mình thấy bạn/nhóm bạn làm rất tốt bài thuyết trình”.
  • Sau đó, hãy đi vào từng khía cạnh cụ thể để nhận xét, như các tiêu chí đã đưa ra ở trên. Hãy đưa ra lời khen về phần chuẩn bị, powerpoint, nội dung bài thuyết trình, cũng như những kỹ năng trình bày của người thuyết trình.
  • Đối với phần khen, hãy nhấn mạnh tính chân thành, thực tế và không quá mức. Ví dụ, bạn có thể nói: “Mình thấy rất ấn tượng ở nhóm bạn bởi cách nói lôi cuốn, súc tích, cách kể chuyện hấp dẫn”.
  • Bên cạnh những lời khen, hãy đưa ra góp ý và lời khuyên để giúp người thuyết trình sửa đổi và hoàn thiện. Ví dụ, “Tuy nhiên/Bên cạnh đó, mình thấy các bạn sử dụng dữ liệu chưa mang tính cập nhật. Cụ thể, số liệu người dùng facebook của Việt Nam hiện đã được cập nhật đến tháng 2/2022 là 70.4 triệu người (tương đương 78.1% dân số) nhưng nhóm bạn lại dùng số liệu cũ từ năm 2020”.

Cách nhận xét bài thuyết trình không tốt

Một bài trình bày không đạt hiệu quả cao thường nhận được nhiều lời chê, nhưng cách chúng ta nhận xét cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng và xây dựng. Dưới đây là những gợi ý để nhận xét bài thuyết trình không tốt:

  • Đầu tiên, hãy khen trước và chê sau. Đưa ra những lời khen về bài thuyết trình trước đó, sau đó sử dụng từ “Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngoài ưu điểm thì vẫn còn một số nhược điểm” để chỉ ra các lỗi sai của bài.
  • Hãy chỉ ra cụ thể các nhược điểm mà bạn đã nêu. Ví dụ, “Bạn/Nhóm bạn nói về chủ đề ‘Kỹ năng quản lý thời gian’ thì bạn/nhóm bạn vẫn thiếu một ý chính quan trọng là: Quản lý thời gian bằng cách tập trung. Về kỹ năng quản lý thời gian thì có rất nhiều dẫn chứng xung quanh cuộc sống hoặc từ những người nổi tiếng nhưng bạn/nhóm bạn lại chưa biết cách khai thác để đưa vào bài nhằm tăng tính thuyết phục”.
  • Cuối cùng, hãy đưa ra những lời khuyên và góp ý chân thành. Ví dụ, “Mình rất đề cao sự trình bày của bạn/nhóm bạn nhưng nếu bạn/nhóm bạn biết cách đưa dẫn chứng vào bài thì mình nghĩ bài của bạn/nhóm bạn sẽ còn thành công hơn rất nhiều”.

Văn mẫu đánh giá bài thuyết trình đầy tính thuyết phục

Dưới đây là một số lời nhận xét được áp dụng nhiều trong các bài thuyết trình, bạn có thể tham khảo:

Bạn đang làm rất tốt

  • Bạn thực sự có khả năng trong việc dẫn dắt vấn đề để lôi cuốn người nghe và giúp học hiểu được những gì mà bạn muốn truyền đạt. Làm tốt lắm!
  • Bài của bạn rất hấp dẫn và có slide khá ấn tượng. Bạn thực sự biết cách thu hút người nghe một cách hiệu quả.
  • Giữ cho bài thuyết trình tập trung vào các mục đích trong chương trình có thể rất khó khăn nhưng bạn thực sự giỏi việc đó. Bạn đã lên kế hoạch thực hiện một cách chính xác về những gì bạn sẽ thảo luận và bạn đảm bảo rằng mình sẽ tuân theo nó.
  • Bài thuyết trình của bạn dễ hiểu, các ý chính, ví dụ đưa ra rất cụ thể, nhiều dẫn chứng thuyết phục người nghe và cách mở bài độc đáo. Tuy nhiên bạn cần sử dụng nhiều hơn nữa ngôn ngữ cơ thể.

Bạn nên nghĩ đến việc cải thiện

  • Bạn có vẻ không làm chủ được nội dung khi thuyết trình, vẫn còn nhìn nhiều vào slide. Các ý lớn trong bài bạn không đưa ra được ví dụ cụ thể nên có nhiều người ở dưới chưa thật sự hiểu được những gì mà bạn đang truyền tải. Tuy nhiên, bạn vẫn rất tự tin và trả lời câu hỏi một cách trôi chảy.
  • Trong buổi thuyết trình, bạn hơi thiếu tập trung nên bạn rất khó để bám sát chủ đề. Một số chỗ còn hơi lan man, một số chỗ lại đi quá sâu. Nhưng về phần hình thức như powerpoint lại khá mới mẻ, trình bày khoa học, dễ nhớ.
  • Để tương tác với khán giả và khiến họ chăm chú lắng nghe vào những gì bạn nói thì bạn cần phải sử dụng giọng nói của mình hiệu quả, nên nói to, rõ chữ, biết cách ngắt nghỉ. Ngoài ra thì bài thuyết trình của bạn nội dung khá đầy đủ, biết cách tiếp cận vấn đề theo nhiều chiều.
  • Bài trình bày của bạn có powerpoint rất đẹp, nhưng nội dung của bạn lại sơ sài và nếu không có nội dung thì bản trình bày dù đẹp đến đâu cũng sẽ không có ý nghĩa.

Để hoàn thiện kỹ năng của mình trong việc nhận xét bài thuyết trình, chúng ta cần những lời khen và lời chê. Nếu biết cách nhận xét một cách có tư duy và khôn khéo, chính bạn sẽ là người tạo động lực và giúp người khác tốt hơn mỗi ngày.

FEATURED TOPIC

hihi